EU và Việt Nam triển khai đào tạo an ninh mạng nâng cao để tăng cường năng lực của các cơ sở hạ tầng quan trọng

  • Các chuyên gia an ninh mạng từ EU và Việt Nam đã trao đổi về các ưu tiên xoay quanh tăng cường năng lực kỹ thuật số, các chuẩn mực an ninh mạng và hành vi có trách nhiệm của nhà nước trong không gian mạng.
     
  • Hoạt động này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác an ninh EU-Việt Nam, trong bối cảnh các hoạt động hợp tác cấp cao và Đối thoại An ninh và Quốc phòng thường niên.

Các chuyên gia an ninh mạng từ Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã tổ chức khóa đào tạo bốn ngày tập trung vào công tác bảo vệ các hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Khóa đào tạo nâng cao do Viện Quan hệ Quốc tế Quốc phòng (IDIR) thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì, được điều phối bởi dự án EU ‘Tăng cường Hợp tác An ninh của EU tại châu Á và với châu Á - Thái Bình Dương (ESIWA+)’.

Hoạt động này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác an ninh EU - Việt Nam, trong bối cảnh các hoạt động hợp tác cấp cao và Đối thoại An ninh và Quốc phòng thường niên, phản ánh các ưu tiên chung về khả năng phục hồi kỹ thuật số, các chuẩn mực an ninh mạng và hành vi có trách nhiệm của nhà nước trong không gian mạng, ông Thomas Wiersing, Đại biện Lâm thời của Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết.

“Khóa đào tạo này phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc tăng cường năng lực an ninh mạng của Việt Nam và lợi ích chung của hai bên trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng, làm nền tảng cho an ninh quốc gia và ổn định xã hội. Là một đối tác an ninh đáng tin cậy, EU sẵn sàng đóng góp vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh mạng quan trọng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua hợp tác hoạt động và chia sẻ kiến thức”, ông Wiersing cho biết.

Được thiết kế đặc biệt dành cho các chuyên gia an ninh mạng từ các cơ sở quốc phòng, khóa đào tạo cung cấp thông tin chuyên sâu về kiến trúc an ninh, phương pháp đánh giá rủi ro, lập kế hoạch ứng phó sự cố và quản trị các công nghệ mới như AI và blockchain. Các buổi học tương tác đã thúc đẩy sự phù hợp với các chuẩn mực an ninh mạng quốc tế và các khuôn khổ của EU như Chỉ thị về Mạng và Hệ thống Thông tin (NIS2), Đạo luật Khả năng Chống chịu trên Mạng, và Bối cảnh mối đe dọa do Cơ quan An ninh Mạng Liên minh châu Âu (ENISA) phân tích. 

Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, Đại tá Bùi Xuân Anh, Phó Giám đốc IDIR, hoan nghênh sự hợp tác với EU và cho biết: “Khóa đào tạo này không chỉ phản ánh sự hợp tác ngày càng tăng của chúng tôi với EU mà còn cho thấy niềm tin chiến lược làm nền tảng cho sự hợp tác này. Trong bối cảnh các mối đe dọa đang thay đổi nhanh chóng, đây không chỉ là một sự chuyển giao kỹ thuật — mà còn là sự phản ánh chung về cách các cơ sở của chúng tôi chuẩn bị, ngăn chặn và ứng phó với các cuộc khủng hoảng mạng phức tạp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”

Đội ngũ giảng viên bao gồm các chuyên gia an ninh mạng EU có kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực quốc phòng, cơ sở hạ tầng quan trọng và việc thực hiện các quy định của EU. Các học viên Việt Nam được lựa chọn từ các chuyên gia cấp cao trong Bộ Quốc phòng và các cơ quan trực thuộc.

Về dự án ESIWA+ của EU
ESIWA+ (Tăng cường Hợp tác An ninh của EU tại và với châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) thúc đẩy hợp tác trong bốn lĩnh vực chiến lược: an ninh mạng, an ninh hàng hải, quản lý khủng hoảng và giải quyết các mối đe dọa hỗn hợp, chống khủng bố và ngăn chặn/chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Dự án được đồng tài trợ bởi Ủy ban châu Âu (FPI), Bộ Ngoại giao Liên bang Đức và Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, và được đồng thực hiện bởi Expertise France và GIZ.

Các hoạt động trước đây của ESIWA tại Việt Nam
ESIWA đã tổ chức một loạt các khóa đào tạo và hội thảo trước khi lên đường do đơn vị hợp tác được cử sang Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam (VNDPKO) thực hiện, bao gồm chuẩn bị nhân sự cho Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Lực lượng An ninh Lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei, Khóa đào tạo Sĩ quan Tham mưu Liên hợp quốc, và Phái bộ Huấn luyện của Liên minh Châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi, cùng nhiều hoạt động khác. Việt Nam đã ký Thỏa thuận Tham gia Khung (FPA) với EU vào năm 2019, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia và đóng góp vào các sứ mệnh và hoạt động của CSDP.

Vào tháng Năm 2024, ESIWA tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên giữa EU và Việt Nam về những điểm tương đồng trong an ninh hàng hải trên tàu khu trục Vendémiaire của Hải quân Pháp, cập cảng Đà Nẵng.

Vào tháng Sáu 2024, ESIWA phối hợp với Học viện An ninh và Quốc phòng châu Âu (ESDC) và Bộ Quốc phòng Áo để ra mắt phiên bản tiếng Việt của sổ tay Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung của EU (CSDP) tại Hà Nội.
 

Ông Rahul Venkit, Chuyên gia Truyền thông, ESIWA+; rahul.venkit@expertisefrance.fr

Chị Viên Ngọc Bích, Ban Chính trị, Báo chí & Thông tin, Phái đoàn EU tại Việt Nam; bich.vien@eeas.europa.eu & +84 (0)24 39461783