Giới thiệu
Giải thưởng Thiết kế Bền vững EU–Việt Nam (EVSDA) là một sáng kiến văn hóa và sáng tạo, kết hợp các hoạt động thiết kế, nghệ thuật, khoa học/công nghệ và cộng đồng, nhằm khám phá các giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống thường ngày.
Do Phái đoàn EU tại Việt Nam khởi xướng, EVSDA hướng tới thúc đẩy các hoạt động thiết kế bền vững tại Việt Nam, giúp mở rộng cộng đồng xoay quanh các hoạt động này, với mục tiêu cuối cùng là góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam – một trong những ưu tiên chính trong quan hệ song phương EU-Việt Nam.
Với sự hỗ trợ từ Sáng kiến Kết nối Văn hóa của EU và được thực hiện thông qua quan hệ đối tác với tạp chí ELLE Decoration Vietnam, giai đoạn đầu tiên của dự án EVSDA bao gồm chuỗi sự kiện và hoạt động từ tháng Chín 2024 tới tháng Ba 2025, dẫn tới sự kiện ra mắt chính thức của Giải thưởng – cũng như cổng nhận hồ sơ dự án – vào giữa tháng Năm 2025.
Dự án bao gồm bốn trụ cột chủ đề chính tương ứng với bốn hạng mục của Giải thưởng EVSDA: Kiến trúc Bền vững, Thiết kế sản phẩm, Thiết kế Truyền thông, và Sáng kiến Đột phá.

Giải thưởng
CỔNG GỬI DỰ ÁN
Cổng gửi dự án EVSDA 2025 hiện đã mở tại đây. Cổng này sẽ đóng vào 23:59 (GMT+7) ngày 15.09.2025.
Mọi hướng dẫn, tiêu chí đánh giá và thông tin chi tiết khác vui lòng xem tại đây.
THÀNH VIÊN BAN GIÁM KHẢO
(vui lòng click vào từng hạng mục để xem thông tin chi tiết về các thành viên Ban giám khảo)
Chủ tịch: Valéria Bessolo Llopiz (ELLE Decoration, Pháp)
Kiến trúc: Tue Hesselberg Foged (EFFEKT Architects, Đan Mạch) & Vũ Linh Quang (ARDOR Architects, Việt Nam)
Thiết kế sản phẩm: Sabine Marcelis (Studio Sabine Marcelis, Hà Lan) & Nguyễn Quốc Khanh (AA Corporation, Việt Nam)
Thiết kế truyền thông: Angela Rui (Istituto Europeo di Design, Ý) & Phương Vũ (Antiantiart, Việt Nam)
Sáng kiến Đột phá: Simon Betsch (KMS, Đức) & Viên Ngọc Bích (Phái đoàn EU, Việt Nam)
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
Mỗi hạng mục sẽ vinh danh ba dự án có tính thuyết phục nhất với Ban Giám khảo, gồm một Giải Đặc biệt cho tác giả của dự án phù hợp nhất: một chuyến lưu trú tại một văn phòng thiết kế châu Âu.
Ngoài ra, mỗi hạng mục cũng bao gồm một Giải cho Dự án Triển vọng, và một Giải Khán giả bình chọn trực tuyến.

Sự kiện Ra mắt
Sự kiện ra mắt EVSDA diễn ra ngày 17.05.2025 tại Nhà máy nước đá TDX (19/45 Trần Đình Xu, Quận 1, TP.HCM), gồm bốn phần trình bày chuyên sâu của các thành viên Ban giám khảo EVSDA về các chủ đề chính của Giải thưởng, phần giới thiệu toàn diện về các yếu tố và hợp phần khác nhau của mùa đầu tiên của EVSDA, bên cạnh các phần trình diễn và networking.
Bên lề Sự kiện ra mắt, một số hoạt động khác cũng diễn ra và tạo điều kiện kết nối và trao đổi giữa các thành viên Ban giám khảo và những người thực hành và tổ chức thiết kế/nghệ thuật/sáng tạo tại TP. HCM.

WORKSHOP 4 – THÁNG BA 2025, HÀ NỘI
SÁNG KIẾN ĐỘT PHÁ
Các nhà thiết kế đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm phong cách sống. Kiến thức và sự sáng tạo của họ góp phần đáng kể vào việc giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm và thay thế các sản phẩm lỗi thời bằng các sáng kiến bền vững. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả, tính công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Hướng tới các trao đổi và kiến thức xung quanh thực hành bền vững về vật liệu ở nhiều lĩnh vực thiết kế khác nhau, Workshop 4 (diễn ra ngày 14.03 tại Tach Spaces) mang tới cuộc gặp gỡ giữa các sáng kiến thiết kế đột phá từ châu Âu và Việt Nam, với những cách tiếp cận đa dạng về vật liệu bền vững – tái chế vật liệu (Tim van der Loo – A New Kind of Blue), tái chế trái cây bỏ đi (Hugo de Boon & Koen Meerkerk – Fruitleather Rotterdam) và làm việc với kiến thức và vật liệu bản địa (Vũ Thảo – Kilomet109).

WORKSHOP 3 – THÁNG MƯỜI HAI 2024, HÀ NỘI
Thiết kế Truyền thông
Diễn ra từ vào tháng Mười hai 2024 trong khuôn viên di sản của một biệt thự Pháp cổ ở trung tâm Hà Nội, Hội thảo 3 của EVSDA gồm các hoạt động triển lãm, trò chuyện và workshop dành cho cộng đồng thiết kế đồ họa và truyền thông đa phương tiện.
Triển lãm: "Ngóc Ngách" – với sự góp mặt của 30 nghệ sĩ và NTK trẻ. Với chủ đề Ký Ức Lõi, các tác phẩm xoay quanh những ký ức mang nhiều cảm xúc – mang tính thiết lập bản sắc cá nhân của các nhà sáng tạo. Thông qua các tác phẩm, mối quan hệ giữa đời sống – văn hoá – nghệ thuật len lỏi giữa ba miền đất nước sẽ được tái hiện trong cùng một không gian.
Trò chuyện: “Thiết kế tốt sẽ tồn tại dài lâu” cùng Thóc Journal (Việt Nam) – Thóc Journal là tổ chức kết nối và thảo luận về những góc nhìn khác biệt xoay quanh thị giác đương đại Việt Nam thông qua các cuộc trò chuyện thân mật và triển lãm cộng đồng.
Workshop: “Trực quan hóa dữ liệu: Một góc nhìn về đô thị hóa ở Hà Nội” do NTK Viola Bernacchi (Ý/Hà Lan) dẫn dắt, nhằm hướng dẫn các NTK làm quen với khái niệm dùng dữ liệu kết hợp với thuật toán và tư duy đồ hoạ để tạo ra các tác phẩm thiết kế đương đại đặc sắc, phản ánh tinh thần mới mẻ của thời đại và lồng ghép vào đó những dữ liệu mô tả bối cảnh đô thị hoá của thành phố Hà Nội.
Trò chuyện “Yếu tố bền vững từ góc nhìn văn hóa” cùng Anna Szylar (Monstermind Studio, Ba Lan) & Huỳnh Minh Thống (Thóc Journal, Việt Nam) chia sẻ những trải nghiệm của họ trong quá trình hình thành và tạo ra những dự án truyền thông đa phương tiện giúp gìn giữ và tôn tạo vẻ đẹp của văn hoá truyền thống.
Trò chuyện “Tìm hiểu về các hình thái media mới” cùng NTK Anna Szylar (Monster Mind Studio, Ba Lan) & Nghệ sĩ đa ngành Trung Bảo (Fustic.Studio, Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm và phương thức tổ chức các triển lãm nghệ thuật trong môi trường kĩ thuật số với những ứng dụng công nghệ hiện đại.

WORKSHOP 2 – THÁNG MƯỜI MỘT 2024, TP HCM
Thiết kế Sản phẩm
Được tổ chức như một lưu trú ngắn ngày diễn ra tại Amanaki (TP. HCM), Workshop 2 kết nối 16 nhà thiết kế sản phẩm và kiến trúc sư hợp tác với nhà thiết kế người Ý Andrea Mancuso, cùng các nghệ nhân Việt Nam Nguyễn Xuân Lực và Nguyễn Văn Bảo, khám phá vật liệu bền vững và các giải pháp thiết kế trong bối cảnh của lĩnh vực thiết kế sản phẩm.
Trong workshop, các nhà thiết kế Việt Nam được chia sẻ chi tiết về quy trình sáng tạo của Mancuso, cũng như các phiên chuyên môn về sơn mài (từ nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lực) và đan tre (nghệ nhân Nguyễn Văn Bảo).
Workshop có sự tham gia của UpGreen và Bao Lan Textile với vai trò đối tác hỗ trợ vật liệu, cung cấp các lựa chọn vải tái chế và nhựa cho các thiết kế cụ thể.
Nói về sự kiện này, nhà thiết kế Andrea Mancuso chia sẻ: “Khi chúng ta nhìn thấy các vật thể, chúng ta chỉ nhìn thấy kết quả cuối cùng, toàn bộ quá trình đằng sau hoàn toàn bị ẩn giấu. Nhưng quá trình là phần khiến tôi phấn khích nhất. Tôi muốn thể hiện không chỉ một câu chuyện mà còn là khả năng nêu bật, thực sự nói lên một điều gì đó quan trọng về vật liệu."

WORKSHOP 1 – THÁNG MƯỜI 2024, TP HCM
Kiến trúc
Với chủ đề "Kiến trúc Bền vững cho Không gian Cư ngụ Hiện đại", workshop có sự tham gia của bốn diễn giả đến từ khối EU và Việt Nam: kiến trúc sư người Pháp Sophie Valla (Sophie Valla Architects) và kiến trúc sư người Thụy Điển Anders Tväråna (White Arkitekter) - đại diện cho hai công ty kiến trúc hàng đầu châu Âu với các dự án gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp sự đổi mới đột phá về kỹ thuật, vật liệu và hình thức không gian hướng tới những khả năng mới. Bên cạnh đó, kiến trúc sư Trung Mai (Hanoi Ad Hoc & Ad hoc practice) và kiến trúc sư Vũ Linh Quang (ARDOR Architects) chia sẻ về đặc điểm của các khu đô thị Việt Nam, đồng thời thảo luận về những phát triển tích cực mà họ đã giúp tạo ra trong bối cảnh ngành kiến trúc và xây dựng.
Kiến trúc hiện đại có mối liên hệ trực tiếp với môi trường và hệ sinh thái, và với các phương thức tổ chức các hoạt động xã hội ở nhiều cấp độ, tác động đến các chiều kích của trải nghiệm sống đương đại, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị. Các diễn ngôn về kiến trúc cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững.