Hội thảo Tham vấn về Dự thảo Huy động Nguồn lực thực hiện Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)
Tháng Mười hai năm 2022, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) – gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ý, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy – đã thông qua Tuyên bố Chính trị về việc thành lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).
Là quốc gia thứ ba triển khai JETP, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ để đạt được cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, thông qua các hướng sau:
• Đẩy nhanh quá trình khử carbon trong hệ thống điện, bằng việc phát thải tối đa không quá 170 MtCO2e từ quá trình sản xuất điện vào năm 2030;
• Đưa công suất phát điện đốt than tối đa tới mức 30.2GW;
• Đẩy mạnh quá trình triển khai năng lượng tái tạo để đạt ít nhất 47% sản lượng điện vào năm 2030;
• Triển khai quá trình chuyển đổi công bằng.
Trong giai đoạn 3-5 năm tới, JETP sẽ huy động khoản tài chính ban đầu trị giá 15.5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam, trong đó bao gồm 7.75 tỷ USD do IPG và các tổ chức tài chính công khác huy động, và 7.75 tỷ USD từ các thành viên Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 (GFANZ). Các tổ chức và Chính phủ này sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xác định các cơ hội triển khai tài chính một cách nhanh chóng.
Dưới sự điều hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như nhóm IPG, Ban thư ký JETP đang xây dựng Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP, với mục tiêu xác định phương cách đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng của JETP, cũng như để huy động nguồn tài chính. Các Nhóm công tác của JETP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đứng đầu sẽ hỗ trợ quá trình này. Bản dự thảo RMP đã được giới thiệu tại Hội thảo Tham vấn ở Hà Nội vào thứ Sáu, ngày 11 tháng Tám.
Hội thảo Tham vấn do Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành đồng chủ trì cùng Đại sứ Vương quốc Anh Ngài Iain Frew, cùng Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời Phái đoàn EU tại Việt Nam. Tất cả các Đại sứ hoặc đại diện của các thành viên nhóm IPG cũng tham dự sự kiện này, cùng đại diện từ Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và giới truyền thông.
Các bài trình bày xoay quanh bản dự thảo Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP, các lĩnh vực cần cải cách chính sách, cũng như các lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: "Để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP, trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện."
Trong phần phát biểu khai mạc, Ngài Iain Frew cho biết: “Nhóm IPG rất vui mừng được bước vào giai đoạn tiếp theo của việc thực hiện JETP với việc chuẩn bị cho Kế hoạch Huy động Nguồn lực (RMP) hiện đang được tiến hành một cách toàn diện. RMP là cơ hội để vạch ra con đường hiện thực hóa tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng công bằng, giúp thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ các mục tiêu kinh tế-xã hội của quốc gia, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng và năng lực cạnh tranh”.
Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Các thành viên IPG tại Hà Nội và các thủ đô khác sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các bộ chủ chốt của Việt Nam, cũng như với xã hội nói chung bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ (NGO), các doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, các nhóm nghiên cứu, v.v., để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.”
Để biết thêm thông tin về JETP, tham khảo Tuyên bố Chính trị JETP và Thông cáo Báo chí tháng Mười hai năm 2022.