Cửa ngõ Toàn cầu: Nhóm châu Âu và Việt Nam ký kết các thỏa thuận trị giá hơn 500 triệu euro để củng cố cho Quan hệ đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)

Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã ký một Biên bản ghi nhớ hỗ trợ thực hiện Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) tại Việt Nam, thể hiện cam kết chung trong việc triển khai một quỹ tín dụng trị giá hơn 500 triệu EUR. Sau khi cơ chế tín dụng này được hoàn thiện và ký kết trong thời gian tới, nó sẽ thiết lập một khuôn khổ cho vay để tài trợ cho các dự án hỗ trợ quá trình khử carbon và chuyển đổi năng lượng.

Ngoài ra, EU sẽ cung cấp 16.6 triệu EUR hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan Hỗ trợ phát triển Pháp (AFD) để AFD hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuẩn bị và triển khai các dự án liên quan đến JETP. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật sẽ đi kèm với tổng số khoản vay Chính phủ và ngoài Chính phủ lên tới 1 tỷ EUR do Team Europe (AFD, KfW và EIB) cung cấp.

Về mặt chính sách, thông qua cơ chế hỗ trợ trực tiếp qua ngân sách cho chuyển đổi năng lượng bền vững 142 triệu EUR, EU đang hỗ trợ các cải cách trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm thiết lập các điều kiện pháp lý và kỹ thuật về năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, đường dây/lưới điện cho JETP để từ đó đạt được các mục tiêu về bền vững.

Phát biểu tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đang thực hiện một bước đi quan trọng để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu Net Zero đầy tham vọng vào năm 2050. Ủy ban châu Âu, EIB và Việt Nam đang hợp tác cùng nhau để hỗ và thúc đẩy chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và an ninh năng lượng. Với khoản hỗ trợ trị giá hơn 500 triệu EUR này, sáng kiến 'Cửa ngõ Toàn cầu' đang tạo ra sự khác biệt cho người dân Việt Nam.”

Bối cảnh

Thông qua sáng kiến 'Cửa ngõ Toàn cầu', EU cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện và đạt được các mục tiêu trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng cũng như các tham vọng khác về khí hậu trong nước và quốc tế thông qua việc triển khai hiệu quả cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Việc triển khai sáng kiến 'Cửa ngõ Toàn cầu' tại Việt Nam cũng sẽ tập trung vào các lĩnh vực xanh, kinh tế tuần hoàn và tính bền vững, giáo dục và trang bị kỹ năng. Các dự án sẽ bao gồm hỗ trợ cho chuỗi giá trị rừng, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, bên cạnh nhiều lĩnh vực khác. 

Diễn đàn 'Cửa ngõ Toàn cầu' lần đầu tiên quy tụ đại diện chính phủ từ EU và trên toàn cầu, cùng với các bên liên quan chính từ khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các nhà lãnh đạo tư tưởng, định chế tài chính và tổ chức quốc tế để thúc đẩy đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực chuyển đổi hạ tầng cứng và mềm để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như tăng trưởng bền vững và khả năng ứng phó trên toàn thế giới.

'Cửa ngõ Toàn cầu' là một bước đi tích cực của EU nhằm thu hẹp thiếu hụt nguồn lực đầu tư trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy kết nối sạch, an toàn và thông minh trong các lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng và giao thông, tăng cường hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu.

Chiến lược 'Cửa ngõ Toàn cầu' thể hiện cách tiếp cận của Nhóm châu Âu (Team Europe) nhằm liên kết Liên minh châu Âu và các Quốc gia Thành viên, các tổ chức tài chính phát triển châu Âu. Hợp tác cùng nhau, họ nhắm tới mục tiêu huy động tới 300 tỷ EUR cho các dự án đầu tư công và tư nhân từ năm 2021 đến năm 2027, tạo ra các liên kết trọng yếu thay vì sự phụ thuộc và thu hẹp sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư toàn cầu.

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập:

Hợp tác giữa EU và Việt Nam

Diễn đàn 'Cửa ngõ Toàn cầu'

Cửa ngõ Toàn cầu

Tuyên bố Chính trị về thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng với Việt Nam

Thỏa thuận quốc tế hỗ trợ các mục tiêu năng lượng và khí hậu đầy tham vọng của Việt Nam